Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng y học hiện đại, y học cổ truyền cũng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trong quá trình hồi phục chức năng cho người bệnh tai biến mạch máu não, căn bệnh gây tử vong và tàn tật hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tai biến mạch máu não ngày càng gia tăng, đặc biệt ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Phục hồi vận động, giảm di chứng sau tai biến
Tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ, trong Y học cổ truyền thuộc phạm trù “trúng phong”. Bệnh nhân sau tai biến thường gặp phải các di chứng như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, khó nuốt, sa sút trí tuệ hoặc rối loạn tiểu tiện, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh hoạt hàng ngày.
Tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân sau tai biến mạch máu não đã có tiến triển rõ rệt khi được điều trị dùng thuốc kết hợp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và tập vận động phục hồi.
BSCKII Nguyễn Minh Trang - Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thời gian vàng cho điều trị phục hồi chức năng là trong vòng 6 tháng đầu sau tai biến. Người bệnh nếu được can thiệp sớm, kết hợp bằng y học cổ truyền, khả năng phục hồi sẽ cao hơn nhiều, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng như cứng khớp, loét tỳ đè, viêm phổi… Ngoài châm cứu, bác sĩ y học cổ truyền còn sử dụng xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, tập vận động và hướng dẫn bệnh nhân tự tập luyện hàng ngày”.
Châm cứu - đòn bẩy phục hồi thần kinh hiệu quả
Phương pháp châm cứu tác động trực tiếp vào các huyệt vị giúp điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc, từ đó hỗ trợ khôi phục chức năng vận động và ngôn ngữ cho người bệnh. Theo nghiên cứu của Y học hiện đại, châm vào các huyệt vị gây ra một phản xạ thần kinh - nội tiết, tạo thành kích thích được dẫn truyền từ não đến các cơ quan, thúc đẩy quá trình hồi phục của thần kinh và cơ. Kết hợp với điện châm - một hình thức hiện đại hơn của châm cứu, tác động kích thích thần kinh mạnh hơn, hiệu quả phục hồi càng rõ rệt.
Bệnh nhân nam (62 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Sau tai biến, tôi bị liệt nửa người bên phải, nói ngọng, đi lại rất khó khăn. Được người quen giới thiệu, tôi đến điều trị châm cứu tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 4 tuần kiên trì, tôi đã có thể tự bước vài bước, nói năng rõ ràng hơn, tinh thần thoải mái hẳn lên.”
BSCKII Nguyễn Minh Trang, Phó Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai điều trị bằng châm cứu cho người bệnh
Nâng cao thể trạng, cải thiện tuần hoàn não
Không chỉ hỗ trợ phục hồi chức năng, Y học cổ truyền còn giúp bệnh nhân sau tai biến nâng cao thể trạng, cải thiện tuần hoàn máu não, phòng ngừa tái phát. Các bài thuốc cổ truyền có tác dụng bổ khí huyết, hoạt huyết trục ứ, an thần định chí, giúp người bệnh ngủ ngon hơn, ăn uống tốt hơn, tinh thần ổn định.
Bệnh nhân nữ (72 tuổi, Nam Định) cho biết: “Sau tai biến tôi thường xuyên mất ngủ, hay lo lắng và ăn kém. Sau 3 tuần dùng thuốc Y học cổ truyền kết hợp châm cứu, tôi thấy cơ thể nhẹ nhõm, dễ ngủ và không còn mệt như trước. Tôi thấy Y học cổ truyền thật sự tuyệt vời.”
Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cho người bệnh
Phối hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền: Xu hướng điều trị toàn diện
Tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế hiện nay, phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não đã được triển khai theo hướng kết hợp giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền. Việc phối hợp điều trị giúp rút ngắn thời gian hồi phục, hạn chế tối đa các biến chứng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
BS. Trang khuyến cáo: “Bệnh nhân cần điều trị liên tục, kiên trì trong thời gian dài, không nên bỏ dở giữa chừng. Việc duy trì tập luyện hàng ngày tại nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hồi phục chức năng.”
Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Người dân nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và khi có các dấu hiệu bất thường như: tê yếu tay chân, méo miệng, nói khó, chóng mặt cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.